Nội dung bài viết
Đã là người Việt Nam hẳn đều biết đến nàng Kiều “sắc tài sao mà lắm truân chuyên” trong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du. Nhưng không phải ai cũng biết ở nước Pháp xa xôi còn có một người con gái xinh đẹp thông minh mà bất hạnh không kém. Đó là Marguerite trong tiểu thuyết “Trà Hoa Nữ” của Alexandre Dumas (con).
XEM THÊM: Review Sách “Tôi Tự Học” – Con đường học vấn sẽ chẳng còn mờ mịt
Thân phận đáng thương
Những trang văn là cuộc đời của Marguerite từ trong trắng trinh nguyên nơi hương đồng cỏ nội trở thành gái bao trụy lạc tại Paris hào nhoáng, cám dỗ. Giữa mịt mùng không lối ra, một ánh sáng soi rọi tâm hồn nàng- chính là mối tình giữa nàng và Armand- chàng trai con nhà giàu danh giá. Tình yêu của họ trong sáng, thánh thiện chẳng nhuốm mùi địa vị, danh phận hay tình dục nhưng lại gặp phải sự chia rẽ từ gia đình của Armand và cả xã hội. Cuối cùng những mộng đẹp tan vỡ, Marguerite một lần nữa phải quay trở lại vũng bùn nhơ nhuốc. Đau khổ khiến bệnh tình của nàng ngày càng trầm trọng và ra đi trong sự cô đơn, đau đớn.
Tâm hồn đáng trân trọng
Thực ra giữa cạm bẫy đồng tiền, Marguerite không hoàn toàn đánh mất chính mình, không phó mặc trở thành món đồ chơi tình dục. Nàng vẫn giữ được sự tự trọng của một con người, coi “gái bao” là một nghề có nguyên tắc riêng và làm chủ được những người đàn ông đến với mình. Nàng có được trái tim của Armand không phải bằng nhan sắc kiều diễm mà từ chính sự thông minh chủ động và bản lĩnh. Mạnh mẽ, cứng rắn nhưng một khi rơi vào tình yêu, Marguerite cũng mãnh liệt, chân thành dâng hiến tất cả cho người yêu.
Thậm chí, ở địa hạt ấy, người đọc thấy lại được một tâm hồn tinh khôi, ngây thơ, yếu đuối như tờ giấy trắng chưa vấy bẩn. Tình yêu chính là tài sản quý giá nhất và dư vị hạnh phúc nhất mà Marguerite được nếm trải trong kiếp đời ngắn ngủi, để khi giã từ cõi đời được nâng trên đôi cánh cao thượng bay tới thiên đường.
Một tấm chân tình
Còn về anh chàng Armand, tình cảm nồng cháy anh dành cho Marguerite không còn gì để bàn cãi. Yêu nên ghen mù quáng khi nàng đi với đàn ông khác. Yêu nên cầu xin nàng để anh được chăm sóc nàng lúc trở bệnh. Yêu nên chống lại cả gia đình để bảo vệ nàng. Armand đã thẳng thừng tuyên bố với cha: “Mối tình này, chẳng những không đẩy con vào đường tội lỗi, trái lại, nó có khả năng phát huy nơi con những tình cảm cao quý nhất. Tình yêu đích thực bao giờ cũng nâng cao con người, dù người đàn bà khơi gợi tình yêu đó có thế nào chăng nữa”. Quả là một trái tim si tình!
Bài học suy ngẫm
Cuộc đời vốn dĩ không phải cổ tích, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Pháp thế kỷ XIX nhưng qua bản tình ca bi thương “Trà Hoa Nữ”, bạn đọc càng thấm nhuần hơn ý nghĩa đích thực của tình yêu– nâng đỡ, cứu rỗi và cảm hóa con người. Không chỉ là tình yêu nam nữ mà nhìn rộng ra là tình yêu với bản thân, với cuộc đời, với những thân phận bé nhỏ đáng thương.
“Trà Hoa Nữ” còn đề cập đến một vấn đề vẫn tồn tại như một khiếm khuyết bất biến của xã hội- Định kiến. Mỗi thời đại lại tồn tại một định kiến khác nhau, song nhìn chung chúng đều là những bức tường khó phá bỏ, ngăn cản tầng lớp nào đó vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay chính tác giả phần đầu đã kể một mẩu chuyện nhỏ, từ đó ông đưa ra kết luận: “Kể từ ngày đó, tôi không dám thoạt nhìn đã khinh khi người đàn bà nào nữa”, nghĩa là trước đó ông có tồn tại định kiến.
Trong truyện, Marguerite chịu hàng tá những con mắt soi mói của người đời về công việc “gái bao” của mình. Họ đánh đồng nàng với những người phụ nữ tầm thường nhất- tiền và dục vọng.
Chính “định kiến” đã cướp đi mơ ước của nàng về một tình yêu bình thường, một mái nhà giản dị “Chúng ta thuê một ngôi nhà nhỏ mà sống bên nhau. Mùa hè, chúng ta về miền quê, không phải trong cái biệt thự đồ sộ thế này, mà trong túp lều nhỏ vừa đủ cho hai đứa”. Mới xót xa làm sao! Đọc đến đây liệu có ai nhớ tới Chí Phèo cũng từng mong “một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”? Có những kẻ muốn quay về lại bị xã hội đẩy ra bên lề như Chí hay Marguerite.
Hãy đọc cuốn sách này không chỉ vì câu chuyện tình “ngược tâm” mà hơn hết, dùng tất cả trái tim để hiểu về một con người, một kiếp đời. Trên mộ của Marguerite, “những tia nắng đầu tiên của tháng tư vừa làm nhú lên vài chiếc lá nõn”, hi vọng những chiếc lá ấy ngày càng sinh sôi nảy nở và tươi xanh trong tâm hồn của chúng ta.
Hồng Trần
XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT HAY KHÁC TẠI ĐÂY
Tags: #plane #review sách #review sống giá trị #trà hoa nữ #văn học pháp