Tôi đến với “Hóa thân” của Franz Kafka phần nhiều bởi cuốn sách đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật cho thần tượng của tôi. Thuộc dạng truyện vừa nên cuốn sách vừa tiện cầm tay mà lại vỏn vẹn hơn trăm trang. Nhưng một dung lượng nhỏ lại tích tụ bao tầng sâu triết lý của “Dante thế kỷ XX”, xứng đáng là một trong những tác phẩm kinh điển của thiên tài Kafka nói riêng và của nền văn học thế giới nói chung. Sau khi gấp trang cuối cùng lại, tôi chỉ thốt lên được hai từ “Ám Ảnh”.
Bạn đã từng tưởng tượng một buổi sáng thức dậy thấy mình biến thành một con bọ khổng lồ, từ trụ cột gia đình xuống làm kẻ thừa thãi và cuối cùng giải thoát cho mình bằng cái chết đau đớn? Đó chính là cuộc đời đầy bi thảm, kinh dị của nhân vật chính Gregor Samsa- một nhân viên chào hàng. Xoay quanh anh là một ông bố “phát phì và trở nên chậm chạp”, một bà mẹ với “chứng hen suyễn hành ngay cả khi đi trong phòng”, một cô em gái “mới mười bảy tuổi đầu, khờ khạo như con nít, cả đời chỉ biết ăn sung mặc sướng, ngủ cho đẫy giấc”, một lão quản lý khó tính cùng một vài nhân vật đến và đi trong ngôi nhà của Samsa. Số lượng nhân vật chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng lại đại diện cho đủ mọi hạng người với tính cách và diễn biến tâm lý phức tạp. Ngòi bút của Kafka không ít lần khiến tôi rùng mình bởi cách miêu tả đầy xuất thần, chân thực, xâm nhập sâu vào thế giới bên trong của Samsa. Tôi khẽ sợ hãi trước hình thù kỳ quái của con côn trùng, phẫn uất trước cách đối xử của mọi người với anh, thương cảm xót xa trước những tủi hờn anh gánh chịu và rơi nước mắt trước sự ra đi của anh sau mọi hành hạ của kiếp hóa thân.
Có một số người cho rằng G. Samsa là một kẻ tư bản ích kỷ, không cho người khác cơ hội thể hiện mình nên cái chết đến với anh là hoàn toàn xứng đáng. Nó cũng có phần đúng vì từ ngày anh hóa thành côn trùng, thành viên trong gia đình buộc phải thay đổi, thích nghi và khả năng của họ cũng dần được bộc lộ. Như ông bố suốt ngày chỉ nằm bẹp trên giường lại “đường bệ trong bộ đồng phục xanh bảnh bao, khuy vàng chóe”. Nhưng thực tế, ba người trong nhà của Samsa hoàn toàn không thích việc phải tự đụng tay đụng chân, tự mình lăn lộn mưu sinh vì họ đã quá quen lệ thuộc vào Samsa.
Về phần mình, tôi thương cảm cho Samsa hơn cả! Khi Samsa kiếm tiền nuôi sống gia đình, họ trân trọng anh nhưng khi anh chỉ là một con vật phiền toái, kinh tởm, vô dụng, họ lại đối xử lạnh lùng tàn nhẫn. Không một ai chịu lắng nghe, chịu tìm hiểu nguyên nhân, chịu giúp đỡ anh. Khi anh chết đi rồi, người ta cũng dễ dàng chấp nhận và tiếp tục cuộc sống có phần nhẹ nhõm hơn. Chi tiết quả táo thối rữa dần trong thân thể anh tựa như nỗi đau đớn quằn quại ngấm sâu vào tâm hồn. Chúng ta suy cho cùng trong cõi nhân sinh này, đều ích kỷ và cô đơn, đều chẳng thể thoát khỏi cám dỗ vật chất và sự ràng buộc nghĩa vụ!
Cuối cùng, chúng ta sống vì ai, vì cái gì? Chết để lại một sự “hóa thân” huy hoàng hay tủi nhục? Đó có lẽ chỉ là một trong số ít câu hỏi mà F.Kafka đặt ra cho nhân loại, cho bạn và cho tôi. Bao lời trăn trở khác vẫn đang cựa quậy trên trang giấy khiến tôi chẳng nguôi lòng.
Ngay cả khi đang viết những dòng cảm nhận này, tôi tự hỏi mình đã hiểu cuốn sách này bao nhiêu? Tôi vẫn không ngừng chiêm nghiệm nó từng ngày từng ngày và chiêm nghiệm cả về hành trình “hóa thân” của chính bản thân mình…
Hồng Trần
XEM THÊM BÀI VIẾT REVIEW SÁCH
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC CỦA SỐNG GIÁ TRỊ
Tags: #hóa thân #review sách #review sách sống giá trị #viết review sách có nhuận