Mới nghe có lẽ bạn sẽ nghĩ Birdman là tên một bộ phim siêu anh hùng, giống như tựa đề của hàng loạt bộ phim đã làm nên thương hiệu cho thể loại này. Nếu mong chờ những cảnh hành động gay cấn hay màn kỹ xảo mãn nhãn nghẹt thở thì có lẽ bạn đã tìm nhầm nơi. Nhưng nếu gắng nán lại ít phút, thì chào mừng bạn đến với bộ phim chứa đầy những cú lừa gây bất ngờ từ mở đầu đến kết thúc.
Mở đầu phim là cảnh một lão già bay lơ lửng trong căn phòng nhỏ bừa bộn cũ kỹ, và bức ảnh Người chim treo trên bức tường bên cạnh. Một lão già, siêu năng lực, người chim, cái quái gì thế này? Tổ hợp kỳ lạ tưởng như chẳng có gì đặc sắc ấy lại giúp bộ phim thành công lớn mang về tới bốn giải Oscar dành cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản gốc xuất sắc và Quay phim xuất sắc năm 2014, cùng xem điều gì đã làm nên thành công vang dội như thế cho bộ phim nhé!

“Birdman” cái bóng quá lớn và khao khát khẳng định bản thân
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Riggan Thomson (Michael Keaton thủ vai) ngôi sao Hollywood hết thời từng nổi tiếng với nhân vật siêu anh hùng Birdman. Bất ngờ từ bỏ thương hiệu phim bom tấn ấy khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Thomson hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt người hâm mộ. Mấy chục năm sau, luôn ám ảnh bởi cái bóng quá lớn từ hào quang quá khứ, Thomson trở lại nghề với khao khát khẳng định bản thân là một diễn viên thực thụ chứ không phải “diễn viên đóng vai Birdman”.
Bắt đầu lại với công việc đạo diễn kiêm diễn viên chính của vở kịch What We Talk About When We Talk About Love tại sân khấu kịch Broadway lừng danh, Thomson gần như đã đánh cược toàn bộ cơ nghiệp cho vở diễn. Khi khó khăn trong sự nghiệp chất chồng chưa được giải quyết, Thomson còn phải đối mặt với mâu thuẫn với Sam, cô con gái từng phải vào trại cai nghiện ma túy, lạc lõng cùng lối cư xử bất cần phản xã hội vì không biết cách thể hiện bản thân.
Mọi thứ càng rắc rối hơn khi Mike Shiner (Edward Norton) đảm nhận vai thứ chính của vở kịch. Gã diễn viên tài năng ngoài đời hoàn toàn là một tên khốn, gã chỉ thật sự “sống” khi lên sân khấu đến mức đòi sex với bạn diễn ngay trên sân khấu vì diễn quá nhập tâm. Hay Lesley (Naomi Watts) người luôn kiên trì chịu đựng mọi khó khăn vì ước mơ được diễn trên sân khấu Broadway.

Nhưng khó khăn và thách thức không chỉ đến từ bên ngoài. Nó còn tồn tại trong nội tâm Thomson. Đạo diễn đã rất tinh tế khi lồng ghép thế giới hiện thực trong phim với thế giới tinh thần, nơi Thomson phải đấu tranh với một bên là lời lẽ dụ hoặc của “Người chim” muốn ông quay lại với vai diễn từng đưa ông lên đỉnh cao sự nghiệp trong quá khứ. Một bên là khao khát trở thành diễn viên thực thụ trên sân khấu kịch. Cái bóng “Người chim” không ngừng ám ảnh thuyết phục Thomson rằng ông không là gì cả nếu thiếu Birdman. Thêm vào đó là định kiến phiến diện và lời hứa sẽ hủy hoại vở diễn của nhà phê bình Dickinson khi bà thậm chí còn chưa xem vở kịch.
Phim đặc biệt còn bởi những cảnh quay liền mạch không cắt cảnh mang đậm hơi hướm kịch sân khấu. Cùng với đó là sự lồng ghép đan xen giữa thế giới tâm hồn và hiện thực đưa khán giả từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, buộc phải căng mắt nhập tâm để ý từng chi tiết. Đến mức cùng một cảnh nếu nhìn theo cách khác sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác, để cuối cùng chỉ có thể than rằng nghệ thuật chính là sự tồn tại không có giới hạn.
Góc nhìn nghệ thuật không giới hạn và ý nghĩa đáng quý sau hình tượng “Người chim”
Từ những phút đầu tiên đạo diễn đã khéo léo dẫn dắt người xem vào thế giới tâm hồn của Riggan Thomson. Để đến khi theo chân nhân vật ngày càng hiểu hơn về cuộc sống của ông mới ngỡ ngàng nhận ra siêu năng lực, hay sự xuất hiện của Người chim đều là hình tượng nhân hóa chỉ xuất hiện trong thế giới tinh thần của Thomson. Vì là phim điện ảnh nghệ thuật nên bộ phim sẽ khá khó hiểu nếu bạn không đủ kiên nhẫn hoặc kiến thức điện ảnh để lý giải. Nhưng với những người thưởng thức điện ảnh bình thường, chỉ cần đừng tự đặt ra bất cứ giới hạn nào. Hãy để bộ phim dẫn dắt bạn mở ra những góc nhìn mới thì tin chắc khi giai điệu cuối cùng kết thúc. Ai trong chúng ta cũng sẽ có cho mình một phần của điều kỳ diệu.

Chi tiết xuyên suốt tôi thích nhất từ đầu tới cuối phim chính là hình ảnh những bó hoa hồng. Thomson nói với con gái trong đoạn đầu phim rằng ông ghét hoa hồng. Nhưng dù nói rõ thì Sam lẫn người hâm mộ đều tặng ông hoa hồng trong buổi diễn thử chính thức đầu tiên. Cả căn phòng đầy hoa hồng ẩn dụ rằng ông vẫn chưa tìm thấy chính mình, một sự chế nhạo ngầm giống như lời Sam nói, họ sẽ quên ông ngay khi vở diễn kết thúc. Vậy nên không có ai thật sự để tâm ông ghét gì. Đến cảnh kết phim, hình ảnh cả phòng bệnh ngâp hoa, đủ mọi sắc màu quan trọng nhất là không có hoa hồng. Và bó tử đinh hương mà Sam mang đến như sự khẳng định giá trị nhất của thành công dành cho Riggan Thomson.
Hình tượng “Người Chim” cùng giọng nói bí ẩn luôn khiêu khích, dè bỉu mỗi khi ông gặp khó khăn hay nhân vật nhà phê bình Dickinson người giữ khư khư góc nhìn phiến diện cá nhân. Đó là hai tầng khó khăn mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải trải qua ít nhất một lần trong đời khi muốn khẳng định bản thân để tìm thấy chính mình.
“Người chim” chính là nỗi hoang mang, tự nghi ngờ của bản thân với lựa chọn của chính mình, giọng nói bí ẩn dẫn dắt ta đến những lựa chọn đơn giản hơn mà một khi nghe theo sẽ hoàn toàn từ bỏ con đường tìm kiếm chính mình. Còn nhà phê bình Dickinson chính là cái nhìn, đánh giá qua đôi mắt của người khác. Họ không quan tâm bạn thực sự có thể làm được những gì mà chỉ thấy thứ họ muốn. Giống như Riggan Thomson đã khiến nhà phê bình Dickinson sững sờ và gần như bỏ chạy sau khi xem ông diễn hồi cuối vở kịch. Hay cảnh “Người chim” tạm biệt Thomson ở nhà vệ sinh bệnh viện trong cảnh kết phim. Con đường khẳng định bản thân vô cùng chông gai và cô độc, hy vọng dù bạn lựa chọn ra sao cũng sẽ có đủ dũng khí và kiên định kiên trì đến cuối cùng.
Đoạn kết mở của bộ phim là món quà bất ngờ cuối cùng mở ra góc nhìn nghệ thuật không giới hạn. Đạo diễn muốn để người xem tự do viết nên cái kết cho nhân vật chính theo cách nhìn của riêng mình. Bật mí nhỏ đó là đừng để đôi mắt đánh lừa bạn.
Vậy thứ bạn thấy là gì? Hãy cùng xem phim và cảm nhận nhé!