Đừng phí hoài tuổi trẻ – cuốn sách mới ra mắt độc giả của tác giả kiêm nhà sáng lập Sbooks Nguyễn Anh Dũng. Vẫn hướng tới đối tượng trẻ – những người đang chông chênh trên bàn xoay cuộc đời, cuốn sách là lời tâm sự, chia sẻ 33 bài học kinh nghiệm sống của một người anh thành công đến với bạn đọc.
Nội dung bài viết
Về sự ra đời của một cuốn sách ý nghĩa cho người trẻ

Sách viết cho giới trẻ thể loại phát triển bản thân có rất nhiều, từ các tác giả nước ngoài đến tác giả Việt, có thể kể một vài cuốn nổi bật như Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của Rosie Nguyễn, 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt của Sean Covey, Nếu tôi biết được khi còn 20 của Tina Seelig, Trên đường băng của Tony Buổi Sáng…
Đừng phí hoài tuổi trẻ mới ra mắt vào năm 2022 của Sbooks cũng là một cuốn sách là sự tiếp nối tinh thần cổ vũ những con người đang ở độ tuổi chưa có gì mà cũng lại có tất cả. Tuổi trẻ – độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi, chúng ta chưa giàu của cải, danh vọng, bản thân cũng chênh vênh trước nhiều ngã rẽ nhưng lúc này, chúng ta có sức khỏe, có tinh thần nhiệt huyết, có nhiều cơ hội được sai và sửa sai hơn bất kỳ độ tuổi nào khác của một đời người.
Nhưng chỉ một số ít người có ý thức về việc không hoài phí tuổi xuân của mình. Đa phần chúng ta vẫn phụ thuộc và thụ động. Với một người từng có thời tuổi trẻ, trải qua nhiều thử thách nhưng vẫn bản lĩnh vượt qua chúng, tác giả Nguyễn Anh Dũng, đồng thời là người sáng lập Sbooks đã rút ra hơn 30 bài học về tuổi trẻ dành cho bạn.
Những thông điệp gọn gàng nhưng tâm huyết từ ông bầu sách Sbooks

Cuốn sách Đừng phí hoài tuổi trẻ dẫn dắt tâm trí bạn qua những mẩu chuyện ngắn, từ đó rút ra một bài học từ câu chuyện ấy. Đó là việc đọc sách trau dồi tri thức, sự cố chấp của giới trẻ, sự ganh tị, sự phàn nàn, nỗi sợ hãi,… Thật ra những điều này không hề mới, nếu bạn đã từng đọc các sách thể loại phát triển bản thân khác trước đây.
Nhưng tại sao những điều quen thuộc vẫn được nhắc đi nhắc lại qua từng cuốn sách, đó là bởi đa phần những tác giả sách này đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ ấy, để bây giờ họ nhận ra bài học giá trị mà giá như khi đang sức trẻ, chúng ta nên thực hiện.
Và những lời chia sẻ, thể hiện dưới hình thức một cuốn sách, ra đời vì muốn giúp bạn trẻ nhận ra mấu chốt vấn đề nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, công sức để làm nhiều chuyện quan trọng khác.
Cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu dành cho giới trẻ này gồm 33 bài học, gói gọn trong hơn 150 trang sách khổ 13×20 cm. Sau đây là 7 trong số 33 bài học đó.
7 bài học bạn trẻ phải nằm lòng từ Đừng phí hoài tuổi trẻ

Đôi khi lùi lại có thể là một quyết định tốt cho bản thân và người thân của mình
Trong phần này, tác giả ví tuổi trẻ như một đoàn tàu luôn tiến về phía trước. Một khi đoàn tàu lăn bánh, rất khó để nó dừng lại cho đến khi vào sân ga. Tuổi trẻ cũng nên trang bị một tinh thần quyết chí, quyết tâm với những mục tiêu mình đặt ra.
Tuy nhiên, việc “đoàn tàu” chỉ biết bon bon chạy đi như vậy có khả năng gây tổn thương cho không ít người muốn tiếp cận con tàu lúc nó đang chạy hành trình của mình. Đôi lúc, đi chậm và lùi lại, nhún nhường mới là một quyết định đúng đắn. Điều đó không phủ nhận bạn, bạn chỉ đang nhìn nhận lại những gì quý giá mà bạn cần giữ gìn trong cuộc đời mình.
Cơ hội có khi chỉ đến với ta một lần
“Nếu cháu chưa thành thạo về một việc mà cháu chưa giỏi nhưng cơ hội lại đến, lúc ấy cháu phải tự tin mà dõng dạc nói rằng ‘Tôi làm được’ dù cho cháu không biết có làm được hay không?” (Trích dẫn từ sách Đừng phí hoài tuổi trẻ)
Nhiều bạn trẻ mang tâm lý chờ đợi, nghĩ rằng chỉ khi mọi thứ đã sẵn sàng, chúng ta mới nên hành động. Điều đó đảm bảo sự suông sẻ khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Thế nhưng, mọi thứ sẽ không bao giờ cùng một lúc sẵn sàng cho bạn. Cuộc sống này rất biết cách trêu đùa con người, vấn đề mới sẽ luôn phát sinh.
Lúc này, bạn đừng chỉ nhìn vào từng điểm thiếu sót mà hãy nhìn một bức tranh toàn cảnh, nó sẽ giúp bạn tự tin hơn với những gì bạn đang có. Chỉ khi bạn đủ tự tin mới dẫn dắt người khác tin tưởng bạn.
Đến khi cậu bước vào chông gai thì người ta đã vượt qua được hầm hố gai
Câu nói trên không có ý chê bôi bạn thua kém người khác. Ngược lại, hãy nhớ điều này mỗi khi nỗi áp lực so sánh mình với người xung quanh thành công hơn bạn trỗi dậy, nó sẽ cổ vũ bạn rất nhiều.
Điều bạn cần chú ý, không phải “người ta đã vượt qua được hầm hố gai”, thay vào đó là mình đã “bước vào chông gai”. Chẳng có gì đáng chê trách khi chúng ta nhận ra vấn đề của bản thân và tham gia vào cuộc hành trình theo đuổi ước mơ chậm hơn người khác. Vì ít nhất chúng ta đã dũng cảm bước vào cuộc đua.
Bạn có thể phải chịu vết thương từ những cây gai đầu tiên, nhưng đồng thời bạn cũng rút ra kinh nghiệm tránh những chiếc gai còn lại.
Cuộc sống không phải để sợ mà là để hiểu
Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên của con người đối với những thứ lần đầu tiếp xúc, những thứ ta chưa hiểu rõ nó. Đôi khi, chúng ta tự khuếch đại nó lên và ta càng ám ảnh với nỗi sợ nhiều hơn. Marie Curie nếu sợ hãi các chất hóa học chưa từng được nghiên cứu, bà đã không đạt tới 2 giải Nobel hóa học và vật lý. “Cuộc sống không phải để sợ mà là để hiểu” chính là phát ngôn nổi tiếng của nữ bác học này.
Trốn tránh vấn đề một lúc chứ không thể trốn cả đời, trừ khi bạn từ bỏ hẳn mục tiêu ban đầu bạn đặt ra. Nếu không, hãy cứ từ từ giải quyết từng chút một, cho đến khi nỗi sợ được chuyển hóa. Nếu bạn sợ độ cao, tại sao mỗi ngày không cố gắng bước lên thêm một bậc thang, chờ đợi bạn có thể là một không gian bạn không thể tưởng tượng nổi. Ở độ tuổi bạn có sức khỏe, có tinh thần để đương đầu nhất, đừng phí hoài tuổi trẻ chỉ vì sợ.
Tội gì phải làm khó bản thân mình
Giống như nỗi sợ ở trên, chúng ta thường phức tạp hóa những vấn đề, trong khi bản chất chúng không hề phức tạp. Khi xem phim Ba chàng ngốc, hẳn bạn sẽ vỗ tay cho chàng sinh viên Rancho định nghĩa từ “máy móc” một cách vô cùng dễ hiểu và đơn giản trong khi thầy giáo cứ muốn định nghĩa phải thật “lồng lộn” nhưng khó hiểu vô cùng.
Bạn đừng tự làm khổ mình vì căn bệnh phức tạp hóa vấn đề thêm nữa, hành động ngay thay vì ngồi một chỗ tưởng tượng đến những vấn đề chưa chắc nó có xảy ra hay không rồi bị nó dọa sợ.
Có một câu nói nổi tiếng rất đúng trong trường hợp này: “Thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng”. Cứ cho thuyền chạy trước tiên, gặp trở ngại ta lại tìm cách ứng phó.
Sự ganh tỵ là một chất xúc tác đáng sợ phá hủy đi tài năng và tâm hồn thanh khiết vốn có của bạn
Phép so sánh là một phép mâu thuẫn, nó khiến người ta vừa thích, lại vừa ghét. Khi sự so sánh trở thành động lực để ta phấn đấu, ta thích nó. Nhưng nếu so sánh phát triển theo chiều hướng tiêu cực, biến thành sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau thì thật tai hại. Trong cuốn sách Đừng phí hoài tuổi trẻ, tác giả khéo léo dẫn chuyện về bạch trăn và cây cầu – một câu chuyện cực hay bạn nên tự mình đọc để hiểu hơn bài học về sự ganh tỵ.
Chúng ta không thể luận đúng sai thành chân lý được
Tranh luận, tranh cãi trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta nên có một thái độ lắng nghe từ trái tim mình, không cần cái gì cũng áp dụng vào mình và coi đó như chân lý. Cách giải quyết cùng một vấn đề của người A chưa hẳn đã đúng với người B. Bạn chỉ cần lắng nghe để có nhiều góc nhìn hơn, sau đó hãy suy xét quan điểm đó có phù hợp với mình hay không.
Trên đây mới chỉ là con số lẻ trong tổng số 33 bài học trong cuốn sách Đừng phí hoài tuổi trẻ. Sách đừng phí hoài tuổi trẻ được phát hành bởi Sbooks với giá bìa 108.000 đ, bạn có thể tìm mua sách để sở hữu bí kíp tránh lãng phí tuổi xuân, cũng như ủng hộ tâm huyết của tác giả.
Xem thêm review sách khác tại reviewhot.net.
Lá Đa
[…] Xem thêm: Đừng hoài phí tuổi trẻ: 7 bài học cho tuổi niên hoa […]